Học để thi hay thi để học?

02/04/2025
|
0 lượt xem
Giáo Dục Góc Nhìn
Học để thi hay thi để học?

Sahar có người em trai bị rối loạn lưỡng cực. Cô bé đã nghiên cứu các bạn tiểu học có cùng biểu hiện để phát triển phần mềm quan sát hành vi và dự đoán về các đợt hưng cảm - trầm cảm cho trẻ bị rối loạn lưỡng cực.

Đây là một đề tài không đơn giản, nên chúng tôi rất lưu ý đến khả năng có bàn tay của người lớn tác động vào.

Trong quá trình tập huấn giám khảo, Hiệp hội Khoa học Mỹ (đơn vị chủ quản cuộc thi Regeneron ISEF từ năm 1950) đã có những khuyến cáo đặc biệt về việc xác định nội dung do học sinh tự làm, cũng như các quy tắc hành xử để giám khảo nhận xét, động viên nhằm khuyến khích học sinh duy trì niềm đam mê với khoa học. Chính vì vậy, ngoài việc xem xét hồ sơ dự án và toàn bộ nhật ký nghiên cứu từ trước, giám khảo phải hết sức chăm chú lắng nghe để phản biện.

Trong suốt ngày thi, mỗi thí sinh sẽ tiếp đón 12 tới 15 giám khảo. Mỗi phiên, các em có 15 phút bao gồm cả thuyết trình nhanh và trả lời câu hỏi phản biện.

Lúc đó cuối giờ chiều, và gian trưng bày của Sahar là gian cuối cùng tôi cần đánh giá. Thú thực là sau cả ngày dài, tôi đã thấm mệt, nhưng sự hào hứng của cô bé khiến tôi chăm chú hơn.

Sahar say mê kể lại hành trình của mình với rất nhiều lần thử và sai. Mỗi lần nhận được một câu hỏi khó, mắt cô bé lại sáng lên như thể vừa được tiếp thêm năng lượng. Và chính cô bé cũng tạo động lực để tôi đưa ra những thắc mắc tiếp nối. Vào phút cuối cùng, tôi cảm ơn cô bé vì một quá trình làm việc bền bỉ, xuất sắc, đồng thời đề xuất ba gợi ý kỹ thuật để cô bé cân nhắc cải tiến sau này.

Kết thúc phần chấm thi, khi tôi di chuyển ra khu vực của giám khảo thì một vị trong ban điều hành cho biết có thí sinh muốn gặp tôi, họ đã trao đổi và hội đồng nghĩ rằng tôi nên gặp. Tôi rất bối rối, không hiểu có sự cố gì xảy ra. Ngay lập tức, Sarah và giáo viên hướng dẫn của em xuất hiện, trên tay cô bé có một cuốn sổ. Hóa ra vừa rồi do bận hỏi đáp, Sarah không ghi được gì, và cô bé muốn hỏi thêm về các gợi ý mà tôi đề cập đến. Vậy là cô bé có thêm 15 phút nữa để trao đổi với giám khảo và ghi chép lại, nhằm tiếp tục cải thiện dự án.

Tối hôm đó, khi đang ở sảnh chờ máy bay, tôi nhận tin cô bé giành giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Hành vi, kèm thêm hai giải phụ khác. Tôi cảm thấy vui lây.

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm 2025 vừa kết thúc, đã có những nghi vấn về tính nguyên bản và sự trung thực trong một số đề tài đoạt giải. Đây không phải lần đầu tiên có những quan ngại về chất lượng các dự án thi ViSEF. Năm 2019, hàng chục bài thi vi phạm quy chế về những vật không được phép trưng bày; và đặc biệt, nhiều dự án trùng lặp cả ý tưởng, giải pháp, kết quả so với những nghiên cứu, sản phẩm đã công bố từ trước. Trong các năm 2021-2022, có nhiều đề tài hướng tới giải quyết các vấn đề phức tạp tương đương đề tài cấp Nhà nước hay cấp bộ, được cho là hoàn toàn quá sức với học sinh.

Phía sau nhiều đề tài cao siêu này là nghi vấn có tình trạng thầy cô làm thay, nghiên cứu hộ, học sinh chỉ việc... thuyết trình tại cuộc thi. Tất cả nhằm mục tiêu lấy thành tích về cho trường và tận dụng cơ chế ưu tiên cho học sinh đoạt giải (tuyển thẳng vào các trường đại học chẳng hạn).

Tôi tự hỏi, liệu có nên vì lợi ích ngắn hạn này mà đánh đổi quyền được học thật, làm thật, sai thật, và trưởng thành thực sự của các em?

Đối với các chương trình quốc tế có độ phân hóa sâu, trong suốt bậc trung học phổ thông, học sinh có thể tích lũy 40 tới 80 giờ thực hành trong phòng thí nghiệm. Và tất nhiên, những kiến thức cơ bản về nguyên tắc, đạo đức nghiên cứu đều được dạy từ các học phần đầu tiên. Thêm vào đó, trường trung học ở các nước phát triển thường liên kết với các phòng thí nghiệm ở trường đại học, đem lại cơ hội thực hành chuyên sâu từ sớm cho học sinh. Từng ngày, từng giờ thực hành của các em đều được ghi chép lại cụ thể qua nhật ký học tập hoặc nghiên cứu.

Ở Việt Nam, học sinh chưa được đào tạo các nguyên tắc cơ bản để làm nghiên cứu, chưa có cơ hội thực hành thường xuyên và chuyên sâu, chúng ta vẫn dạy học chay và mong chờ những giấc mơ Thánh Gióng.

Đầu tư bài bản là điều nhất định phải có để có thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững. Nhưng trong ngắn hạn, với các cuộc thi khoa học kĩ thuật cho học sinh, có lẽ, nên bắt đầu lại từ đầu.

Đầu tiên là nâng cao năng lực, cơ hội thực hành thực tế của học sinh thông qua việc đa dạng hóa hoạt động học tập, cũng như tạo ra nhiều kết nối giữa các trường đại học và phổ thông. Tiếp đến cần tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, hướng dẫn khoa học của giáo viên phổ thông, hoặc tạo cơ chế để giảng viên đại học tham gia giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho học sinh phổ thông một cách công khai, minh bạch. Thứ ba, dù cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp trường, vẫn nên có các hoạt động tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ giám khảo ở mọi cấp. Bên cạnh việc đảm bảo nguyên tắc làm việc độc lập, khách quan, điều quan trọng nhất nằm ở chỗ, giám khảo cũng là người thầy, giúp các em nhận ra dư địa để cải tiến, giúp các em vun đắp niềm đam mê tìm tòi, khám phá.

Và điều quan trọng nhất là người lớn phải trả lại cho học sinh quyền được thi để học hỏi và phát triển kỹ năng, chứ không phải đoạt giải bằng mọi cách.

Không cha mẹ, thầy cô nào "thi hộ" các em suốt đời được. Bởi cuộc sống sau này có vô vàn phòng thi vô hình, và các em sẽ chẳng biết được lúc nào mình đang "đi thi".

Hoàng Anh Đức

Tin liên quan
Tin Nổi bật